VIN Taiwan – Kết nối cộng đồng (Số 02): Tiến sĩ Lê Thị Nhâm và chặng đường trở thành giảng viên cơ hữu tại trường Đại học Chính Trị Quốc gia Đài Loan

Tiến sĩ Lê Thị Nhâm (Annie Le) nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Khoa học Ứng dụng Cao Hùng, Đài Loan vào tháng 6 năm 2017. Trong khoảng thời gian theo học chương trình Tiến sĩ tại Đài Loan, TS Nhâm đã xuất bản 6 công trình nghiên cứu khoa học quốc tế liên quan đến các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có 2 bài SSCI. Tưởng rằng, với một người thuần chuyên môn về kinh tế như cô Nhâm thì sẽ trở về Việt Nam và trở thành giảng viên đại học, tập trung vào lĩnh vực mà cô đã dành cả 10 năm để theo đuổi con đường học thuật. Nhưng, những bước ngoặt và cơ duyên trong cuộc đời đã đưa TS Nhâm ở lại Đài Loan và trở thành giáo viên chính thức tại trường Đại học Chính Trị Quốc gia Đài Loan (National Chengchi University).

Tạm gác lại những cái hối hả và bận rộn vào những ngày cuối cùng của kỳ học mùa thu, cô Nhâm đã dành thời gian để trò chuyện cùng với ban thông tin và truyền thông của VIN Taiwan để chia sẻ về những cơ duyên trong sự nghiệp giáo dục của bản thân tại Đài Loan.

Ts. Lê Thị Nhâm – giảng viên tại Trường Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan (NCCU).

Cơ duyên đến với trường Đại học Chính Trị 

Ngay trong quãng thời gian mà Nhâm theo học Tiến sĩ, cũng chính là thời điểm mà việc giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan được Chính phủ Đài Loan đặc biệt quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ. Rất tình cờ, Nhâm nhìn thấy một thông tin tuyển dụng giáo viên trên trang 104. Vậy là, Nhâm đi phỏng vấn và rất may mắn có cơ hội được dạy tiếng Việt tại trường Đại học Văn hóa từ năm 2014 cho tới khi tốt nghiệp. Chính từ những kinh nghiệm này đã đưa Nhâm đến gần hơn với ngành giảng dạy tiếng Việt và là tiền đề cho những cơ hội sau này.

Ts. Lê Thị Nhâm, các thầy cô và sinh viên khoa Đông Nam Á trong ngày nhà Giáo Việt Nam

Tháng 8/2017, khi vừa tốt nghiệp Tiến sĩ, giữa lúc đang phân vân là nên ở lại Đài Loan hay về Việt Nam thì một lần nữa Nhâm nhìn thấy thông tin đăng tuyển từ trang website chính thức của Bộ Giáo dục Đài Loan, tuyển dụng vị trí giảng viên tiếng Việt hợp đồng tại khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á. Mình nhận thấy đây là một cơ hội tốt cho bản thân vì trường Đại học Chính Trị là trường top đầu của Đài Loan về khối xã hội và nhân văn. Thế là, Nhâm dành toàn thời gian để hoàn thành bộ hồ sơ dự tuyển, trong đó có 204 trang dự thảo xây dựng khung chương trình dạy học cho khoa viết bằng song ngữ Anh-Trung

Với một người ngoài ngành ngôn ngữ và văn hóa như mình thì bản thân phải cố gắng gấp đôi, gấp ba so với những ứng viên khác. Trong một khoảng thời gian ngắn, mình phải đọc rất nhiều tài liệu tham khảo để có thể hoàn thành khung chương trình học cho sinh viên trong 4 năm học.

Vào tháng 2/2018, Nhâm được gọi đi phỏng vấn. Ngày phỏng vấn, Nhâm chuẩn bị một bài demo dạy thử về “Lịch sử hình thành chữ viết tiếng Việt” giảng bằng tiếng Anh và trả lời câu hỏi phỏng vấn từ ban hội đồng tuyển dụng bằng tiếng Trung. Thật may mắn, Nhâm đã vượt qua những ứng viên khác và được tuyển dụng, trở thành giảng viên full-time đầu tiên của khoa.

Cô Nhâm và sinh viên khoa Đông Nam Á trong buổi giới thiệu ra sách mới

Từ bước ngoặt này, Nhâm dành hết thời gian và tâm lực để viết giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên chuyên ngành năm nhất và năm hai. Năm quyển sách đầu tiên được hoàn thành trong một năm rưỡi là thành quả của những ngày đêm miệt mài, không có ngày lễ Tết. Để nâng cao kiến thức, ngoài giờ đi dạy và viết sách, Nhâm còn dự thính các khóa học dành cho sinh viên thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học, tự đọc thêm sách vở để nâng cao kiến thức về cú pháp và ngữ nghĩa học. Nhâm luôn suy nghĩ rằng: “Nếu bạn làm việc vì cái tâm và đam mê, thành quả sẽ hướng về phía bạn”. Thực tình, đôi lúc nhớ lại và nghĩ về những ngày tháng đó, mình cũng không hiểu nổi sao mình có thể chăm chỉ và quyết tâm đến vậy!

Công tác trong khoa được một học kỳ thì mình biết được nhà trường đang offer một cơ hội nữa cho khoa Đông Nam Á, đó là vị trí giảng viên chính thức (Tenure-track Assistant Professor). Một lần nữa, từ bỏ vị trí giảng viên hợp đồng, Nhâm lại dành thêm một học kỳ để chuẩn bị hồ sơ cho vị trí này. Thế là may mắn một lần nữa lại mỉm cười với mình!

Công tác tại trường Đại học Chính Trị

Khoa Đông Nam Á tại trường Đại học Chính Trị tập trung vào 2 mảng chính là ngôn ngữ Đông Nam Á và kiến thức xã hội về khu vực này. Từ 8/2019, Nhâm lại rẽ hướng giảng dạy và nghiên cứu sang khu vực Đông Nam Á, tập trung vào kinh tế Việt Nam, đúng với chuyên môn hồi còn đi học của mình. Hiện tại, Nhâm giảng dạy môn Kinh tế Đông Nam Á, Cộng đồng Đông Nam Á, và Ngữ pháp tiếng Việt. Trong hai năm học liên tiếp 2019 và 2020, Nhâm vinh dự đạt giải thưởng “Môn dạy bằng tiếng Anh xuất sắc toàn trường” do ban hội đồng xét duyệt trường Chính Trị đề cử.

Cô Nhâm và sinh viên khoa Đông Nam Á trong buổi chụp ảnh tốt nghiệp

Mình đang tập trung nghiên cứu về các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Chính sách Kinh tế Hướng Nam của Đài Loan, và cả ngôn ngữ tiếng Việt. Hiện tại, Nhâm đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn để được xét lên Phó Giáo sư trong vòng vài năm tới.

Trong những năm tiếp theo, Nhâm rất mong muốn được đóng góp công sức nho nhỏ trong việc xây dựng cộng đồng trí thức người Việt tại Đài Loan ngày càng vững mạnh, làm cầu nối giao lưu giáo dục giữa Đài Loan và Việt Nam.

Các thầy cô và sinh viên khoa Đông Nam Á trong buổi giới thiệu về khoa Đông Nam Á

Nhâm luôn chia sẻ với những người bạn của mình rằng: “Cơ duyên đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi con người. Và, chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận cơ may đó dù bạn ở đâu hay lĩnh vực mà bạn công tác là gì đi chăng nữa”.

Chúc cho tất cả các trí thức trẻ gặp được nhiều may mắn trên lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi! 

VIN Taiwan

Tin liên quan

viVI
Powered by TranslatePress