Ngày 04/03/2022, VIN Taiwan đã tham gia Hội thảo trực tuyến cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo trên thế giới để thảo luận về việc xúc tiến kết nối trong lĩnh vực Nông nghiệp sáng tạo.
Hội thảo đã đưa ra các vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp Việt Nam cần được giải quyết: thiếu thông tin thị trường, xuất khẩu phụ thuộc vào thương hiệu, kênh phân phối nước ngoài, chất lượng nông sản chưa cao, hạn chế trong khâu bảo quản và chế biến, đầu vào chất lượng chưa cao (giống, phân bón, …), thiếu định hướng quốc tế hóa bền vững.
Một số giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt: Tăng cường áp dụng công nghệ số ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị; Đảm bảo chất lượng đầu vào (gen, giống, phân bón…); Tăng cường kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng nông sản thực phẩm; Chuyển giao, áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến, tăng giá trị sản phẩm và thời gian bảo quản; Đóng gói, thiết kế sản phẩm và xây dựng thương hiệu; Hỗ trợ xuất khẩu và tiếp cận các phân khúc thị trường cao cấp.
Với những vấn đề đặt ra như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang tiến hành xây dựng Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Sáng tạo (tên dự kiến) tại tỉnh Hòa Bình với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản/thực phẩm Việt Nam. Các khu chức năng của trung tâm:
- Khu nghiên cứu, trình diễn giống và công nghệ: trình diễn và chuyển giao các loại gen, giống cây trồng và công nghệ ngoài trời, công nghệ nhà màng, nhà kính, công nghệ tưới, …
- Khu trải nghiệm công nghệ bảo quản và chế biến nông sản: trình diễn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông sản.
- Khu kiểm định và kiểm nghiệm chất lượng: xây dựng lab kiểm định và kiểm nghiệm tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận chất lượng nông sản, máy móc và công nghệ.
- Khu logistics và kho lạnh: cung cấp nơi tập kết, bảo quản và trung chuyển nông sản.
- Khu thương mại và dịch vụ: cung cấp các dịch vụ triển lãm (giống, phân bón, máy móc, công nghệ, …).
Mô hình của trung tâm cũng đang được cân nhắc tham khảo mô hình của Viện nghiên cứu công nghiệp và công nghệ ITRI, Công viên công nghệ sinh học nông nghiệp Bình Đông của Đài Loan, cùng mô hình các trung tâm khác ở Việt Nam và trên thế giới.
Các vấn đề công nghệ đặt ra:
- Xử lý kiểm dịch nông sản: công nghệ chiếu xạ, hơi nước nóng trong các sản phẩm thanh long, nhãn, vải, xoài, ….
- Bảo quản rau quả tươi: công nghệ nano, ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ, điện trường, bao gói, bảo quản lạnh bằng công nghệ điện trường, …
- Bảo quản nông sản khô: sấy lạnh, sấy chân không, điều biến khí MA, sử dụng chế phẩm và phụ gia thực phẩm, …
Với những nội dung được đưa ra như trên, VIN Taiwan hy vọng có thể kết nối cùng các chuyên gia, đơn vị hỗ trợ tư vấn, cung ứng giải pháp và chuyển giao công nghệ phù hợp tại Đài Loan để giới thiệu đến Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thảo luận hợp tác phát triển dự án.
VIN Taiwan